Sinh hoạt chuyên môn trường về chuyên đề dạy học 2 buổi/ngày

Chuyên đề

“MỘT SỐ BIỆN PHÁP TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC THEO NHÓM ĐỐI TƯỢNG HỌC SINH NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY BUỔI 2 ”

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Như chúng ta biết, giáo dục tiểu học là bậc học nền tảng, mục tiêu giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học tốt ở bậc Trung học cơ sở .

Để thực hiện mục tiêu trên thì việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở các trường tiểu học là một yêu cầu cần thiết. Làm thế nào để nâng cao chất lượng giảng dạy và hoạt động 2 buổi/ngày mà vẫn đảm bảo được phương châm của giáo dục Tiểu học là “Học nhẹ nhàng – tự nhiên – hứng thú – hiệu quả” ?

Trước yêu cầu trên, thầy, cô, những người làm công tác sư phạm phải hiểu và phải tìm kiếm những giải pháp giáo dục sao cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi thiếu nhi thông qua các hoạt động vừa học – vừa chơi trong ngày do nhà trường tổ chức. Đó chính là sự trăn trở không chỉ của các thầy, cô mà còn là của lãnh đạo ngành giáo dục, của các bậc phụ huynh và của cả xã hội .

  1. THỰC TRẠNG CỦA VIỆC DẠY 2 BUỔI/NGÀY

1.Thuận lợi:

– Năm học 2017 – 2018, trường đã tổ chức được 3 trên 5 khối học  2 buổi trên ngày, số lớp tăng 4 lớp so với năm học 2016 – 2017. Nhà trường đã đầu tư về cơ sở vật chất, các trang thiết bị cơ bản, cần thiết đáp ứng cho việc tổ chức giảng dạy hai buổi/ ngày.

– Dạy học 2 buổi/ngày ở trường tiểu học là tổ chức cho học sinh học tập và vui chơi trong ngày ở trường. Buổi thứ nhất thực hiện chương trình chính khóa, buổi thứ hai là thời gian dành để bổ sung chương trình và tổ chức ôn luyện kiến thức đã học, tăng cường nội dung các môn tóan, Tiếng Việt nhằm phụ đạo cho học sinh còn khó khăn trong học tập, phát triển năng khiếu cho học sinh có năng lực và các hoạt động tập thể .

– Giáo viên có thời gian và điều kiện gần gũi, gắn bó với học sinh hơn, thông qua đó để phát hiện năng khiếu cũng như giúp học sinh bổ sung những kiến thức cơ bản cần thiết.

– Giảm áp lực học tập cho học sinh, các em có điều kiện hoàn thành bài ngay tại lớp mà không phải mang bài về nhà.

– Học sinh học đủ môn và có chất lượng đối với các môn học bắt buộc, đồng thời được tiếp xúc với các môn tự chọn (ngoại ngữ ), các môn học được phân bổ hợp lý trong ngày, trong tuần .

  1. Khó khăn:

–  Nhìn chung, dạy 2 buổi/ngày là nhà trường phải làm sao học sinh học cả ngày mà không thấy mệt mỏi, không thấy rằng chỉ “Học và học”, phải làm sao cho các em vừa học – vừa chơi mà vẫn đạt hiệu quả cao trong việc tiếp thu và vận dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày. Nội dung giảng dạy ở buổi thứ hai được tổ chức theo hướng tổ chức các hoạt động phù hợp với đối tượng học sinh đảm bảo tính linh hoạt, vui vẻ, nhẹ nhàng, phát huy tính tích cực, tôn trọng sở trường cá nhân, hướng tới phát triển cá nhân. Đây là một công việc rất khó, đòi hỏi Cán bộ quản lí, giáo viên phải nhiệt tình, tìm tòi và lao động sáng tạo mới đáp ứng được.

-Việc hiểu và dạy pheo phân hóa đối tượng học sinh của các giáo viên chưa đồng nhất, cụ thể:

+ Khi tổ chức dạy các tiết toán, tiếng Việt ở buổi 2, các đồng chí giáo viên chưa thống nhất được cách tổ chức tiết học theo hình thức phân hóa đối tượng học sinh, hệ thống bài tập, câu hỏi đưa ra cho học sinh chưa có tác dụng phát huy khả năng của học sinh.

+ Trong cùng một thời gian ngắn phải dạy ít nhất 2 trình độ học sinh: học sinh còn khó khăn trong học tập và học sinh có năng lực nên chất lượng học sinh chưa cao, học sinh được luyện tập ít giáo viên còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tổ chức.

+ Lớp học có nhiều trình độ nên việc tổ chức các hình thức dạy học còn chưa đa dạng nên dẫn đến tiết học nhàm chán và nặng nề.

+ Một số học sinh còn chưa chú ý đến việc học tập, còn hay nói chuyện riêng. Một số em cảm thấy mệt mỏi khi tham gia học tập.

+ Một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc học cho các em.

Vậy tổ chức dạy buổi thứ hai như thế nào cho đạt được hiệu quả đó chính là sự trăn trở của một cán bộ quản lí phụ trách chuyên môn và cũng chính là sự trăn trở của mỗi giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. Chính vì vậy tôi quyết định lựa chọn nội dung “ nâng cao chất lượng giảng dạy buổi 2” cho các khối 1, 2, 5 của trường Tiểu học An Hòa C nhằm đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả tiết dạy.

.III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN 

  1. BIỆN PHÁP CHUNG
  2. Đối với nhà trường

– Ngay từ đầu năm, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy 2 buổi trên ngày đến toàn bộ giáo viên giảng dạy buổi 2.

– Xây dựng thời khóa biểu phù hợp với tình hình từng khối, lớp.

– Hướng dẫn việc thực hiện chương trình giảng dạy, nội dung đối với từng môn.

– Dự giờ thăm lớp nắm tình hình để có điều chỉnh kịp thời, hợp lí.

– Tổ chức chuyên đề, hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp giúp đỡ giáo viên nâng cao chất lượng, hiệu quả tiết dạy.

– Hỗ trợ các trang thiết bị dạy học, tài liệu giảng dạy phù hợp với từng khối lớp.

-Tư vấn kịp thời cho những giáo viên còn gặp những vướng mắc trong quá trình giảng dạy.

– Phối hợp với Đội TNTP tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa cho học sinh.

2.Đối với tổ khối chuyên môn:

– Phải coi dạy học 2 buổi trên ngày là một trong những biện pháp tích cực nâng cao chất lượng học sinh. Tổ khối chuyên môn xây dựng kế hoạch chỉ đạo sát sao, phù hợp với tình hình chung của tổ.

– Cần tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn đi sâu vào các nội dung mà giáo viên còn nhiều vướng mắc. Trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa các giáo viên để rút kinh nghiệm cho giáo viên trong việc thực hiện.

– Tổ chức dự giờ thăm lớp nắm tình hình để có chỉ đạo kịp thời.

– Trao đổi thông tin thường xuyên với Ban giám hiệu trong việc tư vấn, đề xuất sự hỗ trợ trong quản lí chỉ đạo để đạt được kết quả cao hơn.

  1. Đối với giáo viên chủ nhiệm:

– Nắm vững tình hình từng em: về học lực, về cá tính, về hoàn cảnh gia đình từ đó có biện pháp cụ thể với từng em trong việc giảng dạy.

– Tiến hành khảo sát phân loại đối tượng học sinh ngay từ đầu năm học.

– Lập kế hoạch kèm cặp và giúp đỡ các em ngay từ đầu năm.

– Phải có tình thương yêu  đối với học sinh, động viên và chia sẻ kịp thời với các em để các em tự tin vươn lên trong học tập.

– Phát hiện kịp thời học sinh còn khó khăn trong học tập ở phần nào để bổ sung kiến thức kịp thời.

– Cuối buổi học giáo viên phải nắm được điểm yếu, điểm mạnh của học sinh để xây dựng kế hoạch giảng dạy buổi 2 hoặc bàn giao chất lượng cho giáo viên giảng dạy buổi 2.

– Thay đổi không gian lớp học theo hướng thân thiện để tạo không gian thoáng mát, sinh động thu hút sự hứng thú học tập của học sinh.

  1.  BIỆN PHÁP CỤ THỂ

– Để nâng cao được chất lượng giảng dạy mỗi giáo viên phải biết tổ chức lớp học theo mô hình “lớp học tích cực” và phải biết cá thể hóa học sinh trong từng tiết dạy. Cụ thể như :

– Giáo viên phải tạo điều kiện cho học sinh thảo luận nhóm, sắm vai, sưu tầm, mạnh dạn tự tin phát biểu, tăng cường trò chơi học tập để các em không phải ngồi học thụ động dễ gây mệt mỏi.

– Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học: dạy trong lớp, ngoài lớp.

– Riêng buổi học thứ hai, để giúp các em bổ sung những thiếu hụt về kiến thức đồng thời cũng để phát hiện năng khiếu của chính các em, thầy cô cần phải biết cá thể hóa học sinh trong từng tiết dạy như chia nhóm thực hành hoạt động theo đối tượng và hướng dẫn kiến thức cho phù hợp với trình độ của từng nhóm .

-Vậy để tổ chức tốt tiết dạy ở buổi thứ 2 đảm bảo được nội dung kiến thức mà vẫn linh hoạt, nhẹ nhàng, người giáo viên phải có sự đầu tư và không ngừng đổi mới. Cụ thể:

  1. Đối với khâu soạn bài:

– Để có một tiết dạy tốt, khâu soạn bài là rất quan trọng. Đặc biệt, buổi dạy thứ 2 lại chưa có một giáo trình nào hướng dẫn cụ thể nên việc giáo viên lựa chọn nội dung, xác định mục tiêu quả là khó. Dạy ở buổi 2 chủ yếu là luyện tập thực hành để củng cố các kiến thức đã học ở buổi chính nên các biện pháp, hình thức sẽ đơn điệu hơn dẫn đến tiết học có thể bị nhàm chán, cả học sinh và giáo viên đều cảm thấy mệt mỏi. Chính vì vậy việc thiết kế một bài dạy như thế nào để đáp ứng được tất cả các nhu cầu học tập của học sinh thì cần sự đầu tư của giáo viên. Mục tiêu bài dạy phải xác định kiến thức cần đạt sau tiết dạy đối với từng nhóm đối tượng học sinh, để đạt được mục tiêu này giáo viên cần tổ chức các hoạt động như thế nào, cần chuẩn bị những phương tiện gì? Hình thức tổ chức ra sao? Những việc này người giáo viên đã có dự kiến trong khâu bài soạn. Bài soạn càng chi tiết thì tiết dạy càng hiệu quả. Nội dung bài soạn cần được cụ thể hóa như sau:

* Đối với môn toán

  1. Mục tiêu:

– HS còn khó khăn trong học tập cần đạt được cái gì?

– Học sinh có năng lực ngoài những kiến thức cơ bản cần đạt thì cần mở rộng, nâng cao thêm cho HS kiến thức gì ?

  1. Chuẩn bị: Dự kiến các đồ dùng cho GV và HS để chuẩn bị.

Chuẩn bị nội dung cho nhóm phát triển năng khiếu.

Dự kiến các hình thức, phương pháp tổ chức giảng dạy.

III. Các hoạt động dạy và học.

Hoạt động 1Ôn tập lại kiến thức đã học ở buổi chính ( 7-10 phút)

Mục tiêu: Giúp HS hệ thống lại các kiến thức đã học ở buổi thứ nhất, huy động các kiến thức đã học liên quan đến bài học, giải quyết các bài tập ở sách giáo khoa mà buổi sáng chưa có thời gian để thực hiện.

– Gv có thể dùng phương pháp đàm thoại, hay tổ chức trò chơi để học sinh ôn lại kiến thức ( từ dễ đến khó, ưu tiên cho nhóm còn khó khăn trong học tập).

– Câu hỏi sáng tạo ( dành cho HS có năng lực).

– Giải quyết các bài tập còn tồn đọng ở buổi thứ nhất ( nếu có)

Hoạt động 2: Hoàn thành các bài tập củng cố kiến thức (10-15 phút)

Mục tiêu: Hướng dẫn học sinh khắc sâu kiến thức bằng cách giải quyết các bài tập trong vở bài tập. ( có yêu cầu cụ thể với từng nhóm đối tượng học sinh)

– Hệ thống bài tập từ dễ đến khó và yêu cầu từng nhóm làm bài. Bài tập dành cho nhóm học sinh còn khó khăn trong học tập ở dạng đơn giản, tránh quá sức với các em. Bên cạnh đó giáo viên cần khuyến khích các em phấn đấu làm một phần bài tập của nhóm trình độ cao hơn.( HS học sinh còn khó khăn trong học tập làm hết bài tập 1, 2 và một phần ở bài tập 3). Đối với học sinh có năng lực thì làm thêm các bài tập ở dạng phức tạp phù hợp với khả năng phát triển. Lưu ý, các bài tập ở SGK mà học sinh chưa làm hết.

Hoạt động 3Dạy phân hóa đối tượng (5-7 phút)

Mục tiêu: Phát huy năng lực cho học sinh có năng lực

– Trong các tiết dạy, trong cùng một thời gian, các nhóm đối tượng sẽ thực hiện các bài tập ở mức độ khác nhau. Nhóm học sinh còn khó khăn trong học tập mới có thể làm xong bài 2 nhưng nhóm có năng lực đã hoàn thiện bài tập 5. Nếu giáo viên chỉ dừng lại ở đây để thu chấm và chữa thì có thể lớp sẽ rất ồn ào. Giáo viên có thể phát huy vai trò của nhóm có năng lực bằng cách dùng 2 – 3 phút hỗ trợ nhóm còn khó khăn trong học tập làm bài. Nếu còn thời gian giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm 1-2 bài tập để khắc sâu kiến thức đã học. GV có thể tổ chức bằng hình thức nhóm hoặc cá nhân hoặc chơi trò chơi,…để học sinh có năng lực phát huy năng lực.

– Đối với nhóm còn khó khăn trong học tập sau khi được các bạn hỗ trợ, giáo viên tiếp tục yêu cầu HS cố gắng hoàn thiện thêm bài tập mà nhóm có năng lực đã thực hiện.

Hoạt động 4: Tổ chức nhận xét, chữa bài ( 5 phút)

  1. Củng cố dặn dò :1 phút.

Đối với môn Tiếng Việt:

– Theo kế hoạch của trường trong việc chỉ đạo dạy tiếng Việt  xây dựng nội dung ôn luyện ở buổi thứ 2 các tổ cần thống nhất nội dung, quy trình tiết dạy. Khi chuẩn bị nội dung, giáo viên cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng, nắm được điểm yếu, điểm mạnh của lớp để vừa giảm được học sinh còn khó khăn trong học tập vừa đẩy mạnh được học sinh mũi nhọn. Ví dụ;

+ Trong tiết luyện đọc: đối với nhóm còn khó khăn trong học tập chỉ yêu cầu học sinh đọc đúng, tốc độ vừa phải, biết nghỉ hơi hợp lí. Đối với nhóm có năng lực yêu cầu các em đọc trơn từ, câu ( khối 1), đọc nhanh hơn, lưu loát, biết đọc thể hiện phân vai, ngắt nghỉ hơi hợp lí, có thể trả lời được những câu hỏi khó trong đoạn, ( khối 2), biết đọc diễn cảm ( khối 5).

Môn Tiếng Việt ở buổi 2 cần tập trung cho các nội dung: Luyện đọc; Luyện viết; Luyện kĩ năng nghe – viết; Luyện từ câu – tập làm văn. Tiết bồi dưỡng năng khiếu giáo viên có thể tự chọn các nội dung như: kể chuyện, viết chữ đẹp, viết đoạn văn, đọc diễn cảm,..

Hình thức tổ chức dạy học như sau:

Hoạt động 1: Khởi động: (3-5 phút)

Giáo viên có thể tổ chức cho HS hát, đọc thơ, hay kể chuyện có nội dung liên quan đến bài dạy nhằm tạo hứng thú cho học sinh.

Hoạt động 2: Tiến hành các nội dung cần ôn tập (22-27 phút)

Hoạt động 3: Chấm, chữa bài cho HS.

Trong từng hoạt động, giáo viên cần đề ra mục tiêu đối với từng nhóm đối tượng học sinh, giáo viên cần tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của từng em để động viên khích lệ kịp thời. Giáo viên cần làm mẫu như: đọc, viết, tìm từ,.. để từ đó học sinh tự phát hiện và chủ động kiến thức. Nếu trong tiết kể chuyện, giáo viên không kể mẫu thì học sinh sẽ gặp khó khăn khi kể. Nếu giáo viên đọc không diễn cảm thì cũng rất khó khi yêu cầu học sinh đọc diễn cảm,…Giáo viên cần chủ động tạo cơ hội cho học sinh hoạt động để tự củng cố kiến thức. Cần lựa chọn các hình thức tổ chức tiết dạy sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả, tránh nhàm chán với học sinh.

  1. Lựa chọn hình thức, phương pháp dạy học

Hình thức tổ chức dạy học càng phong phú thì tiết học càng sinh động, học sinh càng hứng thú học tập. Tùy thuộc vào từng bài dạy mà giáo viên có thể lựa chọn hình thức dạy học phù hợp. Có thể tổ chức tiết dạy trong lớp học, có thể tổ chức ngoài lớp, có thể cho học sinh xem băng hình, phim ảnh để tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Trong quá trình soạn bài, giáo viên cần có các dự kiến về nội dung, thời gian, mục tiêu cần đạt sau tiết học, vì vậy giáo viên phải có sự đầu tư về trang thiết bị, dự kiến các phương pháp, các hình thức sao cho thu hút được sự chú ý của học sinh.

  1. Phát huy vai trò tích cực học tập của học sinh:

“ Học thầy không tày học bạn”. Trong một lớp học đều có những nhóm đối tượng học sinh khác nhau, nếu giáo viên tận dụng nguồn từ các học sinh có năng lực trong lớp thì trong cùng một thời gian sẽ hỗ trợ được rất nhiều bạn còn khó khăn trong học tập trong lớp. Học sinh có năng lực sẽ có cơ hội thể hiện mình, học sinh nhóm còn khó khăn trong học tập sẽ thấy được sự quan tâm của bạn bè mà không tự ti. Do đó giáo viên cần có những định hướng và khích lệ động viên các em một cách kịp thời để phát huy vai trò của các nhóm bạn trong lớp.

  1. KẾT LUẬN

Tóm lại, để việc dạy và học 2 buổi/ngày ở tiểu học đạt yêu cầu “nhẹ nhàng hơn, tự nhiên hơn, hiệu quả hơn” quả là một yêu cầu quan trọng, cần thiết và đầy khó khăn vì đòi hỏi người thầy phải biết đổi mới phương pháp giảng dạy, phải đủ tự tin, am hiểu đầy đủ nội dung, kiến thức, kỹ năng cần truyền thụ của từng tiết dạy; tổ chức được hoạt động của thầy và trò một cách hợp lý, khoa học, biết gợi mở, kích thích tư duy độc lập, phát huy hết năng lực tiềm tàng của mỗi bản thân học sinh, người thầy phải có khả năng ứng xử sư phạm tốt, tạo ra không khí thân mật, hiểu biết, tin tưởng nhau giữa thầy và trò trong tiết học